BÀI TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG TAI NẠN THƯƠNG TÍCH VÀ SƠ CẤP CỨU BAN ĐẦU
TRƯỜNG THPT VÂN NỘI
Bài tuyên truyền
PHÒNG CHỐNG TAI NẠN THƯƠNG TÍCH VÀ SƠ CẤP CỨU BAN ĐẦU
1/ Tai nạn giao thông:
Vì sức khỏe chính mình và của người khác, cần nghiêm chỉnh thực hiện những việc sau :
- Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3; Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự khi đã được cấp giấy phép lái xe.
- Không đùa giỡn khi tham gia giao thông.
- Không đi hàng 2, hàng 3 khi tham gia giao thông,không chở 3.
- Không chạy xe vượt quá tốc độ cho phép, không lạng lách, đánh võng.
- Khi muốn dừng xe nên quan sát xe phía sau, bật tín hiệu tấp vào lề, không dừng xe giữa đường, khi muốn sang đường phải chú ý quan sát.
- Không vượt đèn đỏ và nhắc nhau không vượt đèn đỏ .
- Luôn đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.
- Nhường đường nhau và cư xử văn hóa, hòa nhã khi có va quệt nhẹ.
2/ Đuối nước:
Đuối nước là tình trạng nước tràn vào đường hô hấp làm cho các cơ quan bị thiếu ôxy và các chức năng sống của cơ thể ngừng hoạt động. Hay nói cách khác: Chết đuối là tình trạng thiếu oxy do cơ thể bị chìm trong nước.
- Không lại gần hoặc lội xuống ao, hồ, hố nước.
- Không tắm sông, đi bơi nên đi theo nhóm và mặc áo phao.
- Không bơi quá xa vì mỏi cơ (bắp thịt) dễ có nguy cơ co rút chuột rất nguy hiểm.
- Không nên khuyến khích trẻ em đi câu cá, bắt cá;
- Nên học bơi sớm.
3/ Điện giật:
- Không dùng tay sờ, nắm bất cứ dây dẫn (điện) nào vì có thể dây bị nứt, hở gây điện giật; Không leo trèo lên trụ điện, thả diều gần đường dây điện;
- Không tự ý cắm bất cứ vật gì vào ổ điện .
- Không được dùng giấy thiết bọc trong bao thuốc lá, dây đồng thay cho dây chì trong cầu chì điện, cầu giao điện dễ dẫn đến quá tải gây nổ cháy;
- Không được tự ý tháo bỏ các nắp chắn bảo vệ của các thiết bị điện hoặc chọc phá vào thiết bị điện;
- Không để ổ cắm điện dưới thấp phòng trẻ em nghịch, hoặc dưới đất phòng người khác dễ giẩm phải.
4/ Té ngã:
- Không nên leo trèo lên cây, lên nóc nhà, lên vật cao;
- Không đùa giỡn khi đứng trên cao;
- Có rào bảo vệ quanh gốc cây, không trồng cây có trái ăn được ở nhà trường hoặc nơi công cộng.
SƠ CẤP CỨU BAN ĐẦU:
* Vết thương phần mềm:
- Dùng tay bóp chặt miệng vết thương để ngăn máu chảy;
- Dùng bông, vải sạch đặt ép lên vết thương, dùng băng vải băng hơi chặt rồi đưa nhanh nạn nhân đến cơ sở y tế;
- Tuyệt đối không được bôi, rắc bất kỳ vật gì, thuốc gì vào vết thương vì chỉ làm bội nhiễm vi khuẩn và sẽ nguy hiểm vô cùng nếu nạn nhân dị ứng với thuốc đó, có thể gây “sốc thuốc”.
+Gãy xương:
- Hãy tìm thanh nẹp (tre, gỗ, giấy cứng cuộn lại) hoặc bất cứ vật gì thẳng đặt vào 2 bên xương gãy ở tay hoặc 3 bên xương gãy ở đùi, dùng dây bó chặt cố định để đầu xương gãy không di chuyển gây đau và biến chứng;
- Không được đắp thuốc nam, xoa bóp dầu nóng hoặc tự ý kéo nắn mà đưa nhanh đến cơ sở y tế để được điều trị đúng chuyên khoa, tránh thương tật về sau. Không nên di chuyển nạn nhân khi chưa cố định xương gãy vì nạn nhân có thể sốc vì đau đớn rất nguy hiểm.
+ Bỏng:
- Đưa nạn nhân ra khỏi vùng nguy hiểm, cắt bỏ phần áo, quần vùng bị bỏng để giảm nhiệt;
- Nếu vùng bỏng nhỏ thì ngâm trọn vùng bỏng vào trong nước mát; Nếu vùng bỏng rộng thì dùng khăn, vải sạch nhúng ướt nước đắp lên vùng bỏng, 5 - 7 phút thay vải ướt khác cho đến khi nạn nhân bớt nóng rát.
- Chú ý giữ ấm cho nạn nhân và cho uống thêm ít nước đường ấm;
- Khi nạn nhân bớt đau, dùng vải sạch phủ lên vết bỏng rồi đưa ngay đến cơ sở y tế điều trị;
- Tuyệt đối không làm vỡ phỏng nước; Không bôi kem đánh răng, mỡ trăn, xà phòng, lòng trắng trứng, nước giấm, bột thuốc… vì chỉ làm nhiễm trùng vết bỏng và có thể gây ngộ độc nạn nhân vì vết bỏng rộng mất đi lớp da bảo vệ sẽ hấp thu những chất lạ vào cơ thể rất nguy hiểm.
Cảm ơn Thầy cô và các bạn đã chú ý lắng nghe.