05/03/2018
Bộ GD&ĐT đã công bố thông tin về tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.
Ngày 4/12, Bộ GD&ĐT đã công bố thông tin về tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.
Ngày 4/12, Bộ GD&ĐT đã công bố thông tin về tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.
Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; trên cơ sở rút kinh nghiệm tổ chức thi các năm trước, nhất là năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tiếp tục tổ chức Kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2019 theo hướng giữ ổn định về phương thức tổ chức như các năm 2017, 2018 để không ảnh hưởng đến quá trình dạy và học của giáo viên, học sinh; đồng thời, thực hiện một số điều chỉnh kỹ thuật trong quy trình tổ chức thi nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập để đảm bảo tổ chức Kỳ thi nghiêm túc, khách quan, an toàn. Cụ thể như sau:
1. Về công tác đề thi
Nội dung đề thi nằm trong chương trình cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12; đảm bảo ngưỡng cơ bản để xét tốt nghiệp THPT và có độ phân hóa phù hợp để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp làm cơ sở cho tuyển sinh.
Bộ GDĐT sẽ sớm công bố đề thi tham khảo Kỳ thi THPT quốc gia 2019 để giúp giáo viên, học sinh tổ chức dạy học, ôn tập chuẩn bị tham gia Kỳ thi.
2. Về công tác coi thi
Điều động cán bộ, giảng viên các đại học, học viện, trường đại học và các trường cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên (gọi chung là trường ĐH, CĐ) đến các Hội đồng thi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh) để phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường ĐH, CĐ địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình.
Quy định chặt chẽ về sắp xếp phòng thi, nhất là đối với các thí sinh tự do; hướng dẫn chi tiết kỹ thuật niêm phong, lưu trữ, bảo quản bài thi, đề thi để tăng cường bảo mật; đặt camera giám sát phòng chứa tủ đựng đề thi, bài thi 24 giờ/ngày và tăng cường trách nhiệm của các thành phần có liên quan trong bảo quản đề thi, bài thi tại Điểm thi, Hội đồng thi.
3. Về công tác chấm thi
Bộ GDĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ. Sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường tính bảo mật và chức năng giám sát để ngăn ngừa các can thiệp trái phép. Theo đó, mã hóa dữ liệu tạo ra trong quá trình xử lý bài thi trắc nghiệm để tránh người dùng can thiệp và đảm bảo trong suốt quá trình xử lý bài thi, cán bộ xử lý bài thi không thể có được thông tin về mối liên hệ giữa thông tin cá nhân của thí sinh với phần nội dung trả lời trắc nghiệm (đây là một hình thức “đánh phách” điện tử Phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh).
Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát của Bộ GDĐT và của các trường ĐH, CĐ đối với việc chấm bài thi tự luận (môn Ngữ văn) do sở GDĐT chủ trì.
4. Về công bố kết quả thi và phương thức sử dụng kết quả thi THPT quốc gia
Bộ GDĐT công bố công khai, rộng rãi thông tin tổng hợp phân tích kết quả thi trước khi công bố kết quả thi.
Tăng tỷ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT. Dự kiến, điểm xét tốt nghiệp THPT gồm 70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp THPT + 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh + điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có).
Tăng tính tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trong tuyển sinh ĐH, CĐ. Cụ thể: các trường chủ động xây dựng và công bố đề án tuyển sinh đảm bảo nguyên tắc tự chủ; theo đó, ngoài phương thức sử dụng kết quả Kỳ thi THPT quốc gia làm cơ sở tuyển sinh, có thể sử dụng các phương thức khác để tuyển sinh.
5. Về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và tập huấn nghiệp vụ
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện các khâu tổ chức Kỳ thi; yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc việc lựa chọn, phân công cán bộ tham gia tổ chức thi theo đúng quy định của quy chế đảm bảo có đội ngũ cán bộ đủ năng lực và có ý thức trách nhiệm cao tham gia Kỳ thi; phối hợp với các cơ quan, nhất là cơ quan Công an để tập huấn kỹ về nghiệp vụ tổ chức thi cũng như kỹ năng phòng chống, phát hiện gian lận, nhất là gian lận sử dụng công nghệ cao.
Bộ GDĐT trân trọng ghi nhận, cảm ơn các cơ quan truyền thông đã đồng hành, hỗ trợ Bộ GDĐT trong tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia những năm qua. Đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tích cực, hiệu quả của các cơ quan truyền thông, các phóng viên để tổ chức tốt Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, góp phần thực hiện thành công lộ trình đổi mới thi, kiểm tra đánh giá nói riêng và công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nói chung.
Nguồn http://www.moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=5692&fbclid=IwAR0Lr_Ogsw_slUddWw5rwx2ouGRpBTsw5JWWR-xbvbUbHPLGsrPIxAFNRjc
UBND TỈNH LÀO CAI
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Số: 559/SGD&ĐT-GDTrH
V/v tổ chức tuyển sinh vào
các lớp đầu cấp THCS, THPT năm học 2017-2018 |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lào Cai, ngày 14 tháng 4 năm 2017
|
Kính gửi: |
- Các Phòng Giáo dục và Đào tạo;
- Các Trường Trung học phổ thông. |
Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn tổ chức tuyển sinh vào các lớp đầu cấp THCS, THPT năm học 2017-2018 như sau:
A. Hướng dẫn chung
I. Các văn bản hướng dẫn
- Thông báo số 398/TB-SGD&ĐT, ngày 23/12/2016 của Sở GD&ĐT về việc thông báo chỉ tiêu kế hoạch phát triển Giáo dục và Đào tạo năm học 2017-2018.
- Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18/4/2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT (gọi tắt là Quy chế 11); Thông tư số 18/2014/TT-BGDĐT ngày 26/5/2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT bổ sung vào điểm a khoản 2 Điều 7 của Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18/4/2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT (gọi tắt là Thông tư 18).
- Quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên ban hành kèm theo Thông tư số 06/2012/TT-BGDĐT, ngày 15/02/2012 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT (gọi tắt là Quy chế 06); Thông tư số 12/2014/TT-BGDĐT, ngày 18/4/2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc sửa đổi, bổ sung Điều 23 và Điều 24 Quy chế 06.
- Quyết định số 204/QĐ-TTg ngày 01/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 năm 2016 (gọi tắt là Quyết định số 204, xác định đối tượng thuộc xã đặc biệt khó khăn).
- Quyết định số 75/QĐ-UBDT ngày 29/02/2015 của Ủy ban dân tộc về việc phê duyệt thôn đặc biệt khó khăn vào diện đầu tư của chương trình 135 năm 2016 (gọi tắt là Quyết định số 75, xác định thôn đặc biệt khó khăn).
II. Yêu cầu
- Tuyển đủ số lượng theo chỉ tiêu được giao, đảm bảo đúng đối tượng, tiêu chuẩn và cơ cấu trong diện ưu tiên.
- Đảm bảo chất lượng tuyển sinh, các trường tuyển được những học sinh năng khiếu, học sinh giỏi, học sinh khá để nâng cao chất lượng nguồn tuyển sinh.
- Hiệu trưởng chủ động, tích cực, quyết tâm cao trong chỉ đạo, tổ chức công tác tuyển sinh; phối hợp tốt giữa các trường THPT với các Phòng GD&ĐT trong tham mưu và chỉ đạo.
- Tôn trọng nguyện vọng học tập của học sinh; chú trọng công tác tuyên truyền vận động học sinh đi học sau hoàn thành chương trình GDTH, sau tốt nghiệp THCS.
B. Tổ chức tuyển sinh
I. Tuyển sinh vào lớp 6 THCS
1. Căn cứ xét tuyển
- Đối với trường THCS có số lượng học sinh đăng ký vào học lớp 6 vượt chỉ tiêu tuyển sinh, phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường THCS này căn cứ các quy định hiện hành để xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp, trình UBND huyện, thành phố xem xét, quyết định.
- Đối với các trường THCS khác: Xét tuyển dựa trên kết quả các năm học ở cấp Tiểu học.
- Tuyển sinh vào lớp 6 các trường PTDTNT THCS&THPT: Có hướng dẫn riêng.
2. Đối tượng và địa bàn tuyển sinh: Học sinh đã hoàn thành chương trình Tiểu học thuộc khu vực tuyển sinh đã được phòng GD&ĐT quy định. Đối với học sinh thuộc khu vực giáp ranh của các xã, phường, thị trấn thì được tạo điều kiện thuận lợi để được tuyển vào học tại trường có cấp THCS nơi gần hơn.
3. Hồ sơ dự tuyển: Như quy định tại Điều 3 của Thông tư 11.
4. Tổ chức xét tuyển: Trưởng phòng GD&ĐT các huyện, thành phố chỉ đạo tổ chức tuyển sinh lớp 6 THCS.
5. Thời gian tiến hành các công việc: Sở GD&ĐT giao cho các phòng GD&ĐT chủ động xây dựng lịch thực hiện các công việc cụ thể; các phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường (có tuyển sinh cấp THCS) hoàn thành duyệt kết quả tuyển sinh lớp 6 THCS: Xong trước ngày 24/7/2017.
II. Tuyển sinh vào lớp 10 THPT không chuyên
1. Độ tuổi dự tuyển
- Theo Điều 37 Thông tư số 12.
- Xác định tuổi của học sinh theo giấy khai sinh.
2. Tuyển thẳng, chế độ ưu tiên, khuyến khích
2.1. Tuyển thẳng vào trung học phổ thông:
2.1.1. Tuyển thẳng vào trường Phổ thông DTNT: Có hướng dẫn riêng.
2.1.2. Tuyển thẳng vào các trường THPT một trong các trường hợp sau:
- Học sinh đã tốt nghiệp trường PT DTNT THCS&THPT.
- Học sinh là người dân tộc rất ít người (theo hướng dẫn tại văn bản số 651/SGD&ĐT-GDTrH, ngày 20/5/2013 của Sở GD&ĐT về việc tuyển thẳng đối tượng học sinh dân tộc rất ít người vào lớp 10 THPT).
- Học sinh khuyết tật.
- Học sinh đạt giải cá nhân cấp quốc gia trở lên về văn hóa; văn nghệ; thể dục thể thao; Cuộc thi khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học.
Lưu ý: Học sinh các huyện, thành phố được xét tuyển thẳng vào một trong các trường THPT trên địa bàn tuyển sinh (căn cứ nguyện vọng học sinh); không tuyển thẳng vào trường THPT số 1 thành phố Lào Cai, trường THPT chuyên.
2.2. Chế độ ưu tiên, khuyến khích:
- Theo phụ lục hướng dẫn cộng điểm ưu tiên, khuyến khích đính kèm văn bản này.
- Điểm cộng thêm cho đối tượng được hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích tối đa không quá 5 điểm.
3. Phương thức tuyển sinh
- Xét tuyển: Đối với 06 trường THPT, gồm: số 3 Bảo Yên, số 2 Sa Pa, số 3 Mường Khương, số 2 Si Ma Cai, số 4 Văn Bàn, THCS&THPT Bát Xát.
- Thi tuyển: Đối với các trường THPT còn lại.
- Tuyển thẳng: Tuyển thẳng đối với học sinh theo quy định tại mục B.II.2.1.2 của văn bản này. Riêng các trường THPT chuyên, THPT số 1 thành phố Lào Cai không thực hiện tuyển thẳng.
4. Căn cứ tuyển sinh, hồ sơ tuyển sinh
- Theo Khoản 1 Điều 5 và Điều 6 của Quy chế 11.
- Các đơn vị huy động tối đa số học sinh đã tốt nghiệp THCS theo địa bàn tuyển sinh của nhà trường tham dự tuyển sinh vào lớp 10 THPT.
- Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh trường THPT chịu trách nhiệm về hồ sơ tuyển sinh theo quy định của Quy chế.
5. Đăng ký dự thi, đăng ký dự xét tuyển, địa bàn tuyển sinh
- Học sinh thuộc huyện, thành phố đăng ký dự tuyển vào một trong các trường THPT của huyện, thành phố đó (trường THPT: chuyên, số 1 thành phố Lào Cai, THPT DTNT tỉnh tuyển sinh toàn tỉnh); học sinh dự thi vào trường THPT DTNT tỉnh nếu không trúng tuyển được sử dụng kết quả để dự tuyển vào trường THPT khác (gồm các trường: THPT số 1 thành phố Lào Cai, PTDTNT THCS&THPT, THCS&THPT, THPT); học sinh dự thi vào trường PTDTNT THCS&THPT huyện nếu không trúng tuyển được sử dụng kết quả để dự tuyển vào các trường THPT khác trên địa bàn tuyển sinh; học sinh thuộc địa bàn tuyển sinh các huyện dự thi vào trường THPT số 1 thành phố Lào Cai, nếu không trúng tuyển được sử dụng kết quả để dự tuyển vào các trường THPT khác thuộc địa bàn tuyển sinh.
- Để đảm bảo cho những học sinh ở khu vực giáp ranh có điều kiện đi học thuận lợi, Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường THPT được tuyển (gồm cả tuyển thẳng) học sinh của các xã giáp ranh, cụ thể như sau:
+ Trường THPT số 1 Bảo Thắng được tuyển học sinh tốt nghiệp THCS của các xã: Cam Cọn, Kim Sơn (huyện Bảo Yên).
+ Trường THPT số 2 Bắc Hà được tuyển học sinh tốt nghiệp THCS của các xã: Xuân Quang, Phong Niên (huyện Bảo Thắng).
+ Trường THPT số 2 Văn Bàn được tuyển học sinh tốt nghiệp THCS của xã Phú Nhuận (huyện Bảo Thắng).
+ Trường THPT số 2 Bảo Yên được tuyển học sinh tốt nghiệp THCS của các xã: Tân An, Tân Thượng (huyện Văn Bàn); xã Lang Thíp (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái).
+ Các trường THPT số 2, số 3, số 4 thành phố Lào Cai được tuyển những học sinh tốt nghiệp THCS của các xã: Cốc San, Toòng Sành (huyện Bát Xát); Bản Phiệt, Thái Niên, Gia Phú (huyện Bảo Thắng).
- Tuyển sinh địa bàn huyện Bát Xát: Các trường: PT DTNT THCS&THPT Bát Xát, số 1, số 2 Bát Xát, THCS&THPT Bát Xát tuyển sinh trên địa bàn toàn huyện. Riêng trường THPT số 2 Bát Xát không tuyển số học sinh đã tốt nghiệp lớp 9 THCS tại các xã: Mường Hum, Sảng Ma Sáo, Nậm Pung, Trung Lèng Hồ, Dền Sáng, Dền Thàng.
- Trường THPT số 1 Tp Lào Cai được tuyển sinh trong địa bàn toàn tỉnh.
6. Căn cứ để xác định địa bàn
- Hộ khẩu thường trú của học sinh và gia đình; trong trường hợp học sinh tốt nghiệp tại trường THCS không thuộc địa bàn tuyển sinh nhưng có hộ khẩu bản thân, gia đình và cư trú (bố, mẹ hoặc người giám hộ) ở xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn tuyển sinh thì được tham gia dự tuyển.
- Bằng tốt nghiệp THCS hoặc giấy chứng tốt nghiệp THCS tạm thời.
- Những học sinh tốt nghiệp THCS ở tỉnh khác nếu có nguyện vọng đăng ký dự tuyển vào trường thì phải có hộ khẩu và cư trú tại địa bàn theo quy định.
III. Tuyển sinh lớp 10 THPT chuyên
1. Điều kiện dự tuyển: Học sinh có đủ các điều kiện sau:
- Học và tốt nghiệp cấp THCS trong địa bàn toàn tỉnh Lào Cai.
- Kết quả xếp loại hạnh kiểm, học lực:
+ Xếp loại hạnh kiểm cả năm học của các lớp cấp trung học cơ sở từ Khá trở lên.
+ Xếp loại học lực cả năm học của các lớp cấp trung học cơ sở từ Trung bình trở lên, trong đó năm học lớp 9 xếp loại Khá trở lên và điểm trung bình cả năm học lớp 9 của môn đăng ký vào các lớp chuyên đạt từ 7,0 điểm trở lên.
- Xếp loại tốt nghiệp trung học cơ sở từ Khá trở lên.
2. Phương thức tuyển sinh
2.1. Vòng 1: Tổ chức sơ tuyển đối với những học sinh có hồ sơ dự tuyển hợp lệ và đủ điều kiện dự tuyển theo quy định.
2.2. Vòng 2: Tổ chức thi tuyển đối với những học sinh đã qua sơ tuyển ở vòng 1.
3. Tổ chức tuyển sinh
3.1. Vòng 1: Sơ tuyển: Việc sơ tuyển để chọn học sinh tham gia thi tuyển vòng 2 được căn cứ vào các tiêu chí sau:
- Kết quả dự thi chọn học sinh giỏi, thi tài năng trong phạm vi tổ chức của tỉnh, toàn quốc, khu vực một số nước, quốc tế.
- Kết quả xếp loại học lực 4 năm cấp trung học cơ sở.
- Kết quả tốt nghiệp trung học cơ sở.
- Kết quả đánh giá chỉ số thông minh (IQ), chỉ số xúc cảm (EQ), chỉ số vượt khó (AQ).
Các tiêu chí trên được đánh giá bằng điểm số.
3.2. Vòng 2: Thi tuyển; môn thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ (Tiếng Anh hoặc Tiếng Trung Quốc theo nguyện vọng đăng ký của học sinh) và môn chuyên.
- Tuyển sinh lớp chuyên Sử-Địa: Học sinh dự tuyển vào lớp chuyên Sử-Địa thi môn chuyên Lịch sử hoặc môn chuyên Địa lý theo nguyện vọng của học sinh.
- Tuyển sinh vào lớp chuyên Tiếng Trung Quốc: Học sinh thi môn chuyên Tiếng Trung Quốc hoặc Tiếng Anh, theo nguyện vọng đăng ký của học sinh (gồm cả nguyện vọng 1, nguyện vọng 2).
4. Hồ sơ tuyển sinh: Theo Điều 6 của Quy chế 11. Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh trường THPT chuyên chịu trách nhiệm về hồ sơ học sinh tuyển sinh theo quy định của Quy chế.
5. Đăng ký dự thi tuyển sinh
- Mỗi học sinh được đăng ký dự tuyển nhiều nhất 03 môn chuyên (những học sinh này phải thi 3 môn chuyên); học sinh căn cứ lịch thi để đăng ký nguyện vọng.
- Học sinh DTTS nếu không đủ điều kiện tuyển vào lớp chuyên, được ưu tiên khi xét tuyển vào lớp không chuyên, cụ thể như sau:
+ Cộng 02 điểm cho người dân tộc thiểu số đang sinh sống, học tập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
+ Cộng 01 điểm cho người dân tộc thiểu số nhưng không cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
IV. Tổ chức bồi dưỡng, ôn tập cho học sinh dự thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT: Các trường có cấp THCS tổ chức ôn luyện cho học sinh lớp 9 dự thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT; các trường THPT không tổ chức ôn luyện cho học sinh lớp 9 dự thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT (cử giáo viên phối hợp với giáo viên các trường THCS ôn tập, bồi dưỡng cho học sinh); riêng trường THPT chuyên được tổ chức bồi dưỡng ôn tập cho học sinh có nguyện vọng thi tuyển sinh vào trường THPT chuyên.
V. Trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức tuyển sinh
1. Sở Giáo dục và Đào tạo
1.1. Phòng Giáo dục Trung học:
- Tham mưu hướng dẫn tuyển sinh.
- Tham mưu thành lập Hội đồng tuyển sinh tại các trường THPT.
- Chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác tuyển sinh, nâng cao chất lượng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS dự thi tuyển sinh vào trường THPT.
- Chủ trì tham mưu trình duyệt danh sách dự tuyển sinh vào trường THPT DTNT tỉnh và các trường PTDTNT THCS&THPT.
1.2. Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục:
- Tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn trường THPT chuyên tổ chức sơ tuyển.
- Tham mưu kế hoạch tổ chức tuyển sinh đối với cấp THPT.
- Tham mưu hướng dẫn tổ chức xét tuyển, thi tuyển, xét duyệt kết quả tuyển sinh lớp 10 THPT; tham mưu thành lập Hội đồng ra đề thi tuyển sinh, các Hội đồng coi thi, Hội đồng chấm thi, Hội đồng phúc khảo theo quy định của Quy chế.
- Chủ trì duyệt kết quả tuyển sinh theo quy định, lưu trữ hồ sơ tuyển sinh lớp 10 THPT theo quy chế; cấp giấy chứng nhận tuyển sinh vào lớp 10 THPT.
- Tổng hợp, báo cáo kết quả coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi tuyển sinh lớp 10 THPT; thực hiện chế độ báo cáo đối với UBND tỉnh và Bộ GD&ĐT.
1.3. Thanh tra Sở:
- Tham mưu tổ chức thanh tra thi tuyển sinh, công tác chấm thi tuyển sinh, xét tuyển vào các trường THPT.
- Chủ trì tham mưu tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động tổ chức dạy ôn luyện, hướng dẫn học sinh ôn thi tuyển sinh.
2. Các phòng Giáo dục và Đào tạo
- Tham mưu với UBND các huyện, thành phố tổ chức Hội nghị tuyển sinh vào lớp 10 THPT.
- Chỉ đạo các trường Tiểu học thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục theo đúng quy định; nâng cao chất lượng giáo dục để nâng cao chất lượng nguồn tuyển sinh cho các trường THCS. Tổ chức nghiệm thu học sinh lớp 5 khoa học, thực chất.
- Phối hợp chặt chẽ với các trường THPT trên địa bàn để làm tốt công tác tuyển sinh lớp 10 THPT.
- Chỉ đạo các trường THCS niêm yết công khai nội dung tuyên truyền tuyển sinh của các trường THPT. Chỉ đạo các trường THCS trên địa bàn thực hiện đảm bảo chương trình dạy học, đánh giá kết quả học tập nghiêm túc, thực chất; hướng dẫn học sinh ôn tập trong chương trình dạy học; hướng dẫn học sinh tự ôn tập tốt; thực hiện tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng sau khi tốt nghiệp THCS, tuyên truyền cho học sinh và cha mẹ học sinh về kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT (đặc biệt là các điểm mới trong công tác tuyển sinh).
- Chỉ đạo các trường THCS xây dựng kế hoạch tổ chức bồi dưỡng ôn tập cho học sinh có nguyện vọng ôn thi vào lớp 10 trường THPT năm học 2017-2018 khoa học, chất lượng, tổ chức quản lý đảm bảo đúng quy định về dạy thêm, học thêm; kiểm tra việc tổ chức thực hiện.
- Phối hợp với trường THPT chuyên, các trường PTDTNT THCS&THPT tổ chức bồi dưỡng cho học sinh DTTS có nguyện vọng thi vào trường THPT chuyên.
3. Các trường THPT
- Xây dựng kế hoạch tổ chức tuyển sinh đảm bảo: Rõ mục tiêu, nhiệm vụ; phân công rõ trách nhiệm thực hiện, từng công việc và thời gian tổ chức thực hiện.
- Chủ động phối hợp với phòng GD&ĐT huyện, thành phố để tổ chức tuyển sinh.
- Tổ chức khảo sát, tuyên truyền, vận động tuyển sinh tại các trường THCS (ít nhất 02 lần/trường).
- Kịp thời báo cáo những khó khăn vướng mắc trong tổ chức tuyển sinh (Báo cáo Sở GD&ĐT, báo cáo UBND huyện, thành phố bằng văn bản).
4. Các trường PT DTNT THCS&THPT:
- Thực hiện các nội dung mục V.3 của văn bản này.
- Tổ chức bồi dưỡng tập trung cho học sinh DTTS của huyện (gồm học sinh của trường PT DTNT THCS&THPT và các trường THCS khác của huyện) có nguyện vọng thi vào trường THPT chuyên trong thời gian từ 17/4-25/5/2017.
- Phối hợp với trường THPT chuyên tổ chức bồi dưỡng cho học sinh DTTS có nguyện vọng thi vào trường THPT chuyên.
- Thực hiện tuyển sinh vào lớp 6 theo hướng dẫn của Phòng GD&ĐT (gồm cả trường THCS&THPT Bát Xát).
5. Trường THPT chuyên
- Thực hiện các nội dung mục V.3 của văn bản này.
- Chuẩn bị các điều kiện, xây dựng kế hoạch tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên cốt cán các trường PT DTNT THCS&THPT tham gia bồi dưỡng cho học sinh DTTS (có văn bản hướng dẫn riêng).
- Xây dựng kế hoạch, tổ chức sơ tuyển vòng 1.
- Xây dựng kế hoạch tổ chức bồi dưỡng tập trung cho học sinh DTTS có nguyện vọng dự tuyển vào trường THPT chuyên.
VI. Chế độ báo cáo
1. Các phòng Giáo dục và Đào tạo
- Trước ngày 20/4/2017: Nộp văn bản hướng dẫn tuyển sinh, kế hoạch chỉ đạo tuyển sinh của phòng GD&ĐT, quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tuyển sinh của UBND huyện, thành phố.
- Phòng GD&ĐT thành phố Lào Cai: Chỉ đạo trường THCS Lê Quý Đôn hoàn thiện phương án tuyển sinh vào lớp 6 (ít nhất 03 phương án); báo cáo Sở GD&ĐT trước ngày 15/4/2017; trình UBND thành phố Lào Cai phê duyệt trước ngày 20/4/2017.
2. Các trường trung học phổ thông
- Gửi danh sách đề xuất cán bộ, giáo viên tham gia Hội đồng tuyển sinh theo mẫu gửi kèm về Sở GD&ĐT trước 28/4/2017.
- Nộp kế hoạch tổ chức tuyển sinh của đơn vị trước ngày 25/4/2017.
- Lưu hồ sơ vận động tuyển sinh tại các trường THCS gồm: Nội dung vận động, tuyên truyền; biên bản làm việc tại từng trường THCS (có xác nhận của Hiệu trưởng trường THCS); danh sách học sinh đăng ký dự tuyển vào trường (danh sách từng trường THCS); quyết định của Hiệu trưởng cử cán bộ, giáo viên đi vận động tuyển sinh).
- Niêm yết nội dung tuyên truyền về tuyển sinh tại bản tin trường THCS.
- Trường THPT chuyên: Nộp dự thảo kế hoạch tổ chức sơ tuyển vòng 1 trước ngày 20/4/2017 (qua phòng GDTrH và phòng KT&KĐCLGD).
- Báo cáo kết quả công tác tuyển sinh trước ngày 15/7/2017, hồ sơ gồm:
+ Báo cáo công tác tuyển sinh (phân tích, đánh giá công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kết quả tuyển sinh, xác định những nội dung chỉ đạo để nâng cao chất lượng tuyển sinh trong năm học 2017-2018…).
+ Biểu tổng hợp kết quả tuyển sinh.
* Lưu ý: Các văn bản nêu trên các đơn vị gửi bản mềm về địa chỉ thư điện tử của phòng GDTrH: phonggdtrh.solaocai@moet.edu.vn và gửi về Sở GD&ĐT bằng văn bản qua đường bưu điện.
Sở GD&ĐT yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị nghiên cứu kỹ, tổ chức tuyển sinh nghiêm túc, đúng Quy chế, đảm bảo các yêu cầu và thời gian quy định. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, cần báo cáo ngay về Sở GD&ĐT (phòng GDTrH) để giải quyết./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Lãnh đạo Sở;
- Sở Nội vụ, Sở Tài chính;
- Phòng PA83-Công an tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Các phòng, ban Sở GD&ĐT;
- Lưu: VT, GDTrH. |
KT.GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC
(Đã ký)
Nguyễn Thế Dũng |
PHỤ LỤC
Chế độ ưu tiên, chế độ khuyến khích tuyển sinh vào lớp 10
trung học phổ thông (không áp dụng đối với trường THPT chuyên)
(Kèm theo công văn số 559/SGD&ĐT-GDTrH, ngày 14/4/2017 của Sở GD&ĐT)
|