ngoại khóa
Giới thiệu về sân khấu dân gian Giới thiệu về sân khấu dân gian Giới thiệu về sân khấu dân gian

Giới thiệu về sân khấu dân gian


Khi nói đến sân khấu dân gian, chúng ta không thể không nói tới nghệ thuật chèo. Chèo có từ xa xưa và trước đây thường được gọi là chiếu chèo hay chèo sân đình. Nghe tên gọi đã thể hiện chất cổ sơ của chèo. Sân đình là nơi sinh hoạt cộng đồng và cũng là nơi diễn ra các tích chèo do những người nghệ sĩ biểu diễn. Sân khấu là chiếc chiếu trải ra. Không phông cảnh như chèo hiện đại, chiếu chèo lấy ngay khuôn viên trước mặt mái đình làm cảnh. Mấy hòm đựng trang phục, đồ biểu diễn, người nghệ sĩ mang ra để phối cảnh sân khấu trên chiếu chèo: làm long kỉ để vua ngồi hay núi non…bố trí sao cho phù hợp với cảnh diễn. Và muôn mặt đời sống xã hội, nhân tình thế thái được diễn ngay trên chiếu chèo - nơi không gian sân đình.
Diễn viên chèo là những nông dân thuần phác, yêu đời, ham mê nghệ thuật. Sau thời gian vất vả với công việc đồng áng, họ lại tập luyện các tích trò dưới sự dẫn dắt của một ông trùm - người đứng đầu gánh hát, để khi Tết đến, xuân về, họ được dịp trổ tài với những bạn diễn làng bên.
Nét độc đáo của chèo là giữa người diễn và công chúng thưởng thức không có sự cách ngăn. Người nghệ sĩ biểu diễn trên chiếc chiếu, còn khán giả ngồi coi xung quanh.
Khi diễn, trong chèo thường có “tiếng đế”. Thể hiện nó thì cả người diễn và khán giả đồng thể hiện.Chẳng hạn, khi thị Mầu bước ra sân khấu và đứng hỏi:
- Này, chị em ơi!
 *  Sao? (cả diễn viên và người xem đồng thanh hỏi)
-   Các già lên chùa từ bao giờ nhỉ?
 *   Mười tư rằm (cả diễn viên và người xem đồng thanh nói)
- Nay mười tư mai đã là rằm.
    Ai muốn ăn oản thì năng lên chùa.
    Ấy mà Thị Mầu tôi mang tiếng lẳng lơ
    Đò đưa cấm giá, tôi lên chùa từ mười ba…

Người diễn thuộc nhiều làn điệu dân ca, các câu hát dân gian và vận vào  từng vai diễn sao cho phù hợp. Người xem cũng thuộc các tích trò, hiểu tường tận các nhân vật trong vở diễn. Điều đó thể hiện tính đại chúng, tính cộng đồng rất cao trong chèo.
Nội dung các vở diễn trong chèo phản ánh muôn mặt đời sống xã hội. Đó là mâu thuẫn trong xã hội phong kiến, phơi trần những thối nát của xã hội, những hủ tục lạc hậu của nạn xôi thịt làng xã trước đây, lên án những luật lệ hà khắc chà đạp quyền sống con người nhất là người phụ nữ đồng thời ngợi ca phẩm chất tốt đẹp của họ: Quan Âm Thị Kính, Nghêu - Sò - Ốc - Hến, Trương Viên, Tuần Ti - Đào Huế…Những nội dung này vừa được nhân dân sáng tạo, vừa mượn tích từ các câu chuyện nước người để diễn: Nhị độ mai, Điêu Thuyền - Đổng Trác -  Lã Bố…Tuy nhiên, mượn chuyện người chẳng qua để nói chuyện mình mà thôi!
Tính cách nhân vật trong chèo chỉ có hai loại chính: Vai chín và vai lệch. Các vai chín là nhân vật tích cực, họ mang đầy đủ vẻ đẹp chân thiện mĩ. Họ là những con người có khuôn mẫu lí tưởng: Thị Kính (vở chèo Quan Âm Thị Kính), Thị Phương (vở chèo Trương Viên), nàng Châu Long (vở chèo Lưu Bình - Dương Lễ)… Các vai lệch: Thị Mầu - Lý Thông, Sùng Bà…
Và, để cảm nhận rõ hơn vai chín trong chèo. Chúng ta cùng xem màn diễn (…) trong vở Lưu Bình - Dương Lễ để thấy được một tình yêu chung thủy, một tình bạn tri kỷ, keo sơn trong đời sống tình cảm con người. Và độc đáo hơn, màn diễn này như sản phẩm cây nhà lá vườn mà diễn viên nghiệp dư không ai khác là các bậc phụ huynh đến từ Đoàn chèo xã Vĩnh Ngọc.  

MÀN DIỄN: LƯU BÌNH - DƯƠNG LỄ

Vai diễn trong chèo không chỉ có vai chín và vai lệch mà còn có hề chèo. Hề chèo tuy là vai phụ, không có vai trò mạnh phát triển tình tiết câu chuyện nhưng nó không thể thiếu được trong bất cứ vở diễn chèo nào. Hề chèo vừa thể hiện tiếng cười lạc quan của người lao động, vừa thể hiện sự  phản ứng của nhân dân trước những trò đảo điên trong xã hội, những chướng tai gai mắt trong đời sống con người.
Hề chèo gồm hề gậy và hề mồi. Nhân vật hề xét tính chất có thể chia làm hai loại: Một loại thuộc các tầng lớp dưới trong xã hội: người hầu, lính canh, tuần phu… Họ thường giễu người khác, phát biểu thay nhân dân để phê phán, đả kích giai cấp phong kiến. Vai hề này có ý nghĩa tích cực. Một loại khác ít nhiều đại diện các tầng lớp trên như quan lại, thầy lý, thầy đồ, thầy phù thủy… thường họ tự giễu mình và mang ý nghĩa tiêu cực.
Tạo nên tiếng cười sảng khoái trong chèo, hề chèo khi diễn thường có nhiều cách diễn xuất: Nói lái, nói chệch, lối xuyên tạc lời nói để giễu: “Quan đã ra, ai có gà thì nhốt” hay là thầy phù thủy trong hề chèo cu Sứt  “Cắc, cắc, nhụt nhụt, thầy ở nước lụt, thầy mới về đây, ăn của nhà này, thầy phù hộ cho nhà khác”… lắm khi vai hề chửi bốp chát vào mặt bọn quan lại, hương lí mà chúng cũng phải chịu vì lý lẽ lập luận hề đưa ra: Nhân vật mẹ Đốp trong Quan Âm Thị Kính.
Và, bây giờ chúng ta cùng hướng lên sân khấu để thưởng thức màn diễn này.
MÀN DIỄN: XÃ TRƯỞNG - MẸ ĐỐP

Sân khấu chèo là loại hình sân khấu tổng hợp. Cùng với các trò chơi dân gian, nó là tâm hồn của người dân Việt, là nét văn hóa Việt độc đáo, đặc sắc không thể trộn lẫn. Mỗi chúng ta cần phải biết lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông để lại tiến tới xây dựng Trường học thân thiện, học sinh tích cực.

TIN TỨC MỚI NHẤT

Tin tức

Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 14
  • Hôm nay: 801
  • Trong tuần: 4 690
  • Tất cả: 713300