GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 1
Tớ muốn ăn tụy của cậu – Kimi no suizou wo tabetai’- Cuốn sách mà khi đọc, bạn sẽ không biết mình đã rơi lệ khi nào.

 

 

Một cuốn tiểu thuyết mà có lẽ chỉ nghe tên thôi là bạn có thể hình dung ra được một cuốn tiểu thuyết kinh dị, máu me và giết chóc. Nhưng không! Cuốn sách tưởng chừng mang đầy yếu tố kinh dị máu me mà lại thật trong sáng đến thuần khiết về những triết lí của cuộc sống, của tình bạn, tình yêu mà có lẽ, đâu đó trên quãng đường của cuộc sống mà ta đã đôi lần quên mất.
‘Tớ muốn ăn tụy của cậu’, một câu chuyện quá đỗi nhẹ nhàng, một khoảng khắc đẹp giữa 2 con người khác nhau chỉ vừa được kết nối. Nó giản dị giống như một cuốn nhật kí mà *****(nhân vật tự xưng là tôi) kể lại về những ngày tháng mà cậu cùng với một cô bạn mắc căn bệnh nan y trải nghiệm cuộc sống. Hai con người học cùng một ngôi trường, chung một lớp học nhưng giống như ở 2 thế giới khác nhau.
Qua mười chương truyện, chúng ta sẽ được lắng lại cùng những cảm xúc trong những ngày cuối cùng của Sakura Yamaguchi – một cô gái sắp từ giã cõi đời song chẳng hề có sự nhàm chán hay quá đỗi bi lụy, và “tôi” – một chàng trai luôn tỏ rõ tinh thần muốn tránh xa nhân loại vô tình gặp mặt cô nàng sắp chết ấy.
Hai con người, hai thế giới trái ngược nhau và khác biệt liệu có thể trở nên thân thiết với nhau không? Liệu một cô gái mới mười bảy tuổi nhận ra mình không còn nhiều thời gian nữa sẽ đối mặt với thế giới này như thế nào? Đó là điều mà bạn sẽ cảm nhận khi đọc tớ muốn ăn tụy của cậu.
Khởi đầu của câu chuyện là lần tình cờ gặp mặt giữa ‘tôi” và Sakura Yamaguchi tại bệnh viện. Nhân vật ‘tôi’ đó vô tình biết được căn bệnh tụy của Sakura và từ đó, hai người trở nên thân thiết hơn. Nói cách khác, nó giống như một mối quan hệ giữa người có bí mật và một người biết bí mật vậy. Một mối quan hệ thật mong manh nhưng càng ngày nó càng bền chặt.
Từ đây, một mối quan hệ không có tên gọi được hình thành giữa hai con người thuộc hai thế giới. Họ bắt đầu tìm hiểu nhau qua những lần đi chơi, đi ăn, đi du lịch và cả những lần trong bệnh viện nữa. Họ điểm tô cho cuộc sống của nhau những gam màu mà trước đó có lẽ học cũng chưa thể nhận ra.
Xuyên suốt câu chuyện là những triết lí giữa sống và chết của một chàng trai trẻ còn cả tương lai và một cô gái – người mà có lẽ không còn nhiều thời gian nữa.
Câu chuyện diễn ra thật nhẹ nhàng đến nỗi, dường như trong khoảnh khắc, ta đã quên mất rằng câu chuyện đang đề cập tới một cô gái mà thời gian chỉ còn chưa đầy một năm.
Qua 300 trang của tớ muốn ăn tụy của cậu ta sẽ chỉ bắt gặp một Sakura Yamaguchi luôn lạc quan. Cho dù đang đau đớn với căn bệnh, đau đớn vì chỉ còn có thể sống vài tháng nữa, nhưng cô vẫn mạnh mẽ, vẫn kiên cường sống, thậm chí là sống hết mình vì biết nếu không sống trọn vẹn thì cô sẽ hối tiếc đến giây phút cuối cùng. Đó là điều mà bất cứ ai cũng sẽ cảm nhận được. Sự sống của cô giống như mang theo một nguồn năng lượng tích cực cho những người xung quanh.
Nhưng đằng sau sự lạc quan đó, nếu nói rằng Sakura không tuyệt vọng, không đau khổ, không buồn bã vì bệnh tình mình sẽ là nói dối. Tất cả những nỗi buồn của Sakura đều được chất chứa hết trong cuốn Đồng hành cùng bệnh của cô. Một cô gái mới chỉ có 17 tuổi, một độ tuổi đẹp nhất của đời người còn bao ước mơ, hoài bão nhưng phải đối mặt với hiện thực nghiệt ngã dù cho có mạnh mẽ đến đâu cũng sẽ suy sụp
Và trong chuyến dã ngoại cùng với “tôi”, Sakura đã hỏi một câu không chỉ ‘tôi’ mà đến người đọc cũng phải giật mình sợ hãi.
“Nếu...”
“...”
“Nếu tôi nói thực ra tôi rất, rất sợ chết thì bồ nghĩ sao?”
Không ai trên thế giới này mà không sợ chết cả.
Chính vì có thể sống một cuộc sống mà không biết khi nào mới đến cái kết cho bản thân mà con người có thể sống một cách thoải mái nhất. Nhưng đằng này Sakura thì khác, cô lại biết trước cái chết đang cận kề mình với căn bệnh tụy của bản thân. Đau đớn, xót xa nhưng cô vẫn luôn mỉm cười. Đó là điều đã thu hút anh bạn “tôi” vốn sống 1 thế giới khác với Sakura
Dù thứ duy nhất kết nối họ là căn bênh tụy của Sakura.
Đồng hành cùng Sakura chính là nhân vật ‘tôi’, vừa là một người bạn cùng với Sakura trong những ngày cuối cùng vừa là hóa thân của tác giả trong tác phẩm dưới vai trò của một người kể chuyện. “tôi” và Sakura, hai nhân vật mang tính cách trái dấu nhau nhưng lại luôn tự thu hút nhau.
‘Tôi' là một nhân vật trầm tính, tính cách hướng nội và sở thích của cậu là “tưởng tượng xem người khác nghĩ về mình như thế nào”. Cậu cũng lạnh nhạt với Sakura và bạn bè cùng lớp. Đến nỗi bạn bè trong lớp cũng gần như cậu không nhớ nổi tên thậm chí mặt bạn bè. Ngay đến cả bản thân mình, cậu cũng ví như một “Chiếc thuyền lá” trôi theo những yêu cầu của Sakura. Dẫu vậy, “tôi” dần dần nhận ra rằng, sự hiện diện của Sakura đã đem đến một tác động mạnh mẽ đối với cuộc đời cậu như thế nào.
Nhân vật ‘tôi’ đã từng hỏi Sakura một câu trong bệnh viện
“Đối với cậu, việc sống có ý nghĩa như thế nào?”
Và câu trả lời của Sakura cũng thật ý nghĩa:
“Cái gọi là ‘sống’ ấy... Thừa nhận một ai đó, yêu một ai đó, ghét một ai đó, niềm vui khi ở bên một ai đó, yêu một ai đó, rồi sự phiền muộn khi ở cạnh một người khác, nắm tay một ai đó, ôm một ai đó, ngang qua đời một ai đó. Đấy chính là ‘sống’...”
Câu trả lời của Sakura đã tác động mạnh mẽ đến những cảm xúc thật sự của ‘tôi’. Những câu nói của một cô gái gần chạm đến tay của tử thần. Cô ấy hiểu được khát vọng muốn sống và muốn được làm cho những người thân thiết của mình được hạnh phúc. Cho nên những lời của Sakura đã tác động lớn đến cảm xúc của ‘tôi’
Tuy nhiên, bước ngoặt chuyển tiếp của câu chuyện xuất hiện thực sự gây sốc cho người đọc. Sakura vẫn chết nhưng cái chết lại không xuất phát từ căn bệnh mà là từ một con người. Lúc Sakura chết, cả hai đều thất hứa với nhau... tổn thương nhau...đau khổ nhường nào...
‘Cô ấy đã nói dối.
Cả tôi cũng nói dối.
Cô ấy đã phá lời hứa sẽ nói cho tôi hay lúc nào cô ấy chết.
Tôi đã phá lời hứa nhất định trả lại cho cô đồ tôi đã mượn.”
Đám tang của Sakura, được đưa lên đầu cuốn sách thay vì cuối sách. Có lẽ rất nhiều người đã đến tham dự tang lễ, những giọt nước mắt như là minh chứng cho sự tồn tại của cậu ấy. Nhưng đằng sau đó lại có một người đau khổ hơn như vậy... Điều duy nhất mà thôi thúc cho nhân vật nhân vật ‘tôi’ dũng khí để đến nhà Sakura sau cái chết của cô là cuốn: Đồng hành cùng bệnh
Cuộc nói chuyện cuối cùng với Sakura là khi mà ‘tôi’ đọc nhật kí cuốn ‘Đồng hành cùng bệnh’. Và đó là lúc bạn có thể nhận ra nhân vật tôi cuối cùng cũng đã gắn kết với thực tại, đến với cuộc sống thực sự, tháo đi lớp vỏ bọc để hòa nhậtp với cộng đồng. Bằng chứng là những giọt nước mắt rơi tự nhiên mà tại nhà của Sakura trước mẹ cậu ấy và ban thờ của cô. Những giọt nước mắt như một lời tiễn biệt chân thành, yêu thương nhất gửi đến Sakura, một kết thúc buồn nhưng lại đầy niềm tin và hy vọng, như một bắt đầu mới mẻ vì được sống là một điều đáng quý.
Đối với bản thân Tôi thì đây chắc là khung cảnh đẹp nhất trong cuốn sách. Dường như lại một lần nữa ta lại nghe được tiếng nói của Sakura, lại được thấy cô một lần nữa mặc dù cô đã mất. Có lẽ ta đã tự suy ngẫm, tự cảm nhận về Sakura và ‘tôi’.
Và tên tôi là Shiga Haruki, có nghĩa là “Cây nở mùa xuân”
Còn Yamaguchi Sakura nghĩa là “Hoa anh đào”
Tên của cả hai đều mang nghĩa của mùa xuân. Giống như Sakura từng nói:
“Có lẽ mười bảy năm nay, tôi đã chờ đến lúc được bồ cần tơi.
Giống như hoa anh đào đợi mùa xuân tới”
“Tôi muốn ăn tụy của bồ” lời mở đầu cũng như là kết thúc của câu chuyện. Đó là một yêu cầu khá dị nhưng tin tôi đi, khi bạn đã đọc hết cuốn sách, khi bạn đã hiểu ra được ý nghĩa của câu nói đó, nước mắt bạn sẽ rơi lúc nào không hay, sẽ phải suy nghĩ và rồi mỉm cười với những cảm xúc chân thật nhất của một con người. Đó là một bí mật thanh xuân đầy ngọt ngào của tuổi mười bảy.
TIN TỨC MỚI NHẤT
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 251
  • Trong tuần: 2 986
  • Tất cả: 552522